"Tình hình Biển Đông càng phức tạp, chúng ta càng phải tỉnh táo, điềm tĩnh và có tầm nhìn"

Tác động của tình hình biển Đông đối với kinh tế trong nước như thế nào? Việt Nam cần có những giải pháp nào để nâng cao nội lực kinh tế, chủ động hội kinh tế quốc tế? Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển sẽ cho biết thêm về vấn đề này.

Chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức cho dù nó có phức tạp đến đâu chăng nữa


Ông Phùng Quốc Hiển

Phóng viên: Những ngày qua, các nhà lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những tuyên bố yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động đơn phương khiêu khích và gây hấn trên biển Đông. Công luận quốc tế cũng liên tiếp lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ở góc độ khác, một số ý kiến lo ngại, tình hình biển Đông có thể ảnh hưởng tới vấn đề phát triển kinh tế Chủ nhiệm có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ông Phùng Quốc Hiển: Tình hình biển Đông hiện đang căng thẳng, phức tạp, và có lẽ, sẽ còn tiếp tục căng thẳng, phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược các thỏa thuận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc.

1 tháng qua, Việt Nam đã kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương khiêu khích và gây hấn với lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Về phía Trung Quốc, mặc dù ngày càng bị công luận quốc tế lên án mạnh mẽ hơn, nhưng hành động của Trung Quốc không giảm, ngày càng nguy hiểm. Vì thế, chúng ta không loại trừ khả năng tình hình biển Đông sẽ ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế của nước ta. Tất nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, mỗi quốc gia là một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngày nay, không có nền kinh tế nào là độc lập hoàn toàn theo kiểu tự cung tự cấp, tất cả đều phải hợp tác với nhau. Vì hợp tác kinh tế là quan hệ qua lại, đôi bên cùng có lợi. Một bên khó khăn thì bên kia cũng không thể nói là không bị ảnh hưởng gì được.

Trong cơ hội có thách thức. Trong thách thức có cơ hội. Phải nhìn ra cơ hội trong thách thức và tận dụng tối đa cơ hội đó. Người Việt rất giỏi điều này. Con người Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất, luôn sẵn sàng đương đầu và vượt qua khó khăn, thách thức, không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào. Đó là ý chí từ nghìn đời nay, đã thấm vào máu của người Việt. Cho nên chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức cho dù nó có phức tạp đến đâu chăng nữa.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tính toán các giải pháp kinh tế như thế nào, thưa Chủ nhiệm?

Căng thẳng trên biển Đông về lâu dài sẽ có tác động đến kinh tế của cả Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, thì quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn đang diễn ra bình thường, chưa có gì cản trở. Thực tế, sau vụ việc xảy ra tại một vài địa phương gây bất ổn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, thì đến nay, đa phần các nhà đầu tư nước ngoài đều yên tâm ở lại làm ăn, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường với sự hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa của Chính phủ và các địa phương của Việt Nam.

Một số ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng các kịch bản kinh tế để chủ động ứng phó nếu tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng hơn. Đây cũng là chủ đề, được các Đại biểu Quốc hội đề cập liên tục trong các Phiên họp từ đầu Kỳ họp đến nay. Đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất nhiều giải pháp. Chắc chắn, tại Phiên họp toàn thể về kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận kỹ càng hơn.

Về nguyên tắc hợp tác kinh tế quốc tế, chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mọi quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế với các nước, trong đó với Trung Quốc đều phải được duy trì bình thường. Thực hiện đúng nguyên tắc này, chúng ta khẳng định được với thế giới, Việt Nam là một quốc gia rất yêu chuộng hòa bình, Việt Nam chỉ có một mong muốn là duy trì hòa bình, ổn định để hợp tác, cùng phát triển với các nước chứ không có toan tính nào khác.

Về dài hạn, chúng ta phải tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế đa phương, tranh thủ các điều kiện của WTO và tới đây là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP)... để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chúng ta phải có tầm nhìn xa hơn, dài hơi hơn; phải có chiến lược khai thác và hợp tác với các thị trường rộng mở hơn chứ không tập trung vào một vài thị trường nhất định. Muốn vậy thì ngay trong năm 2014 – 2015, chúng ta phải đặt được nền tảng, phải thay đổi tư duy, thay đổi quy hoạch phát triển. 

Kinh tế vững mạnh, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng bảo đảm thì độc lập, chủ quyền quốc gia vững như bàn thạch

Hiện nay, chúng ta cũng đang tiến hành tái cơ cấu kinh tế để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, theo Chủ nhiệm, có nên có điều chỉnh gì về mục tiêu, phương thức tái cơ cấu hay không? 

Từ trước đến nay, quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn luôn gắn phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cho nên, câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc này. Có thể có những điều chỉnh về phương thức thực hiện nhưng mục tiêu xuyên suốt là: đổi mới, phát triển kinh tế phải gắn với ổn định xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. 

Trong tình hình hiện nay, càng phải quán triệt sâu sắc quan điểm này, không được lơ là, không được lãng quên. Ví dụ, phát triển công nghiệp thì phải chú ý đến công nghiệp quốc phòng; đầu tư giao thông, cảng biển, sân bay... cũng phải gắn với an ninh, quốc phòng chứ không chỉ thuần túy về thương mại. Chúng ta cũng phải dành ngân sách hợp lý cho an ninh, quốc phòng để xây dựng lực lượng quân đội chính quy, từng bước hiện đại. Kinh tế vững mạnh, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng bảo đảm thì độc lập, chủ quyền quốc gia vững như bàn thạch.

Theo Chủ nhiệm, ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội có nên có điều chỉnh gì đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, 2015 hay không?

Cá nhân tôi cho rằng, tình hình hiện nay cần tiếp tục được theo dõi, tuy nhiên tại kỳ họp này Quốc hội chưa điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Chúng ta phải cố gắng đạt được các mục tiêu này. Mục tiêu thu ngân sách có thể sẽ khó khăn hơn nhưng cũng chưa đến mức phải điều chỉnh. Riêng chi ngân sách thì phải tính toán căn cơ hơn, quyết liệt bảo đảm kỷ cương, kỷ luật ngân sách và phải đạt hiệu quả cao nhất. Ngay cuối tuần trước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã họp và kiến nghị Quốc hội bố trí một khoản ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như hỗ trợ ngư dân đóng tàu để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và tăng cường đóng tàu cho lực lượng chấp pháp trên biển.

Xin cám ơn Chủ nhiệm!

Theo daibieunhandan.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
32 người đang online