Tổng hợp thiệt hại do bão số 1 gây ra tại Hưng Yên

Bão số 1 gây mưa lên đến 155 mm kèm theo gió cấp 8 cấp 9, giật cấp 9 cấp 10 trong nhiều giờ liên tục đã khiến cho nhiều diện tích lúa, cây rau màu và cây ăn quả của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị thiệt hại nặng nề.

Diện tích trồng chuối ở thành phố Hưng Yên bị bão quật đổ

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, lượng mưa tại thành phố Hưng Yên là 145mm, huyện Tiên Lữ 111 mm, Phù Cừ 116 mm, Kim Động 127 mm, Khoái Châu 113 mm, Văn Giang 31 mm, Mỹ Hào 115 mm, Yên Mỹ 123 mm, Văn Lâm 98 mm, Ân Thi 112 mm.

Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 5.400 héc ta lúa bị ngập trắng, 1.100 héc ta nhãn bị thiệt hại, 1.000 héc ta chuối bị đổ, trên 700 héc ta rau màu bị ngập. Ngoài ra hàng chục héc ta cây có múi, hoa cây cảnh bị ngập. Trong đó, thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi là những địa phương có mức thiệt hại lớn.

Với 37/78 đường dây truyền tải điện trung thế gặp sự cố, tình trạng mất điện diện rộng xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

Nhiều diện tích nhãn chuẩn bị cho thu hoạch  tại Hưng Yên đều bị rụng và nứt quả, ước tính sản lượng sẽ giảm 60%

Là địa phương có lượng mưa lớn nhất, tại thành phố Hưng Yên, vựa nhãn lồng ở các xã Hồng Nam, Hồng Châu, Tân Hưng ước tính sản lượng sẽ giảm trên 60% bởi sau khi bão tan, nhãn tiếp tục bị rụng quả, thiệt hại còn tăng thêm.

Hệ thống cây xanh trên các tuyến phố, trong các công viên và công trình trang trí, chiếu sáng đô thị của các phường nội thị trong thành phố Hưng Yên cũng bị thiệt hại nặng nề. Trong ngày 28 tháng 7, điện bị mất trên diện rộng ở thành phố Hưng Yên.

Chuồng trại của một gia đỉnh ở Kim Động bị đổ sập khiến cho 2.000 con vịt bị chết, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng

Mưa và gió mạnh cũng khiến khoảng 50% diện tích cây ăn quả và hoa màu trên địa bàn huyện Kim Động bị ảnh hưởng. Cụ thể, hơn 160 ha chuối bị gãy đổ, 250 ha nhãn và các loại cây ăn quả khác bị gãy cành, rụng quả, 1800 lúa và rau màu bị úng ngập.

Dưới sức tàn phá của gió bão, toàn bộ diện tích chuồng trại chăn nuôi vịt của ông Đào Văn Thìn, thôn Đào Xá, xã Vĩnh Xá, đổ sập khiến cho 2.000 con vịt bị chết, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.

Ngoài ra, gần 1.000 mét vuông nhà ở, phòng học của huyện bị tốc mái. 60 mét tường bao và nhiều chuồng trại chăn nuôi, 49.000 mét vuông lưới nhà kính trồng rau bị đổ sập, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trong đó, nặng nề nhất là các xã Vĩnh Xá, Phú Thịnh, Hùng An.

Không chỉ khiến người dân thiệt hại nặng nề về kinh tế, bão số 1 còn khiến nhiều cành cây bị gãy đổ, cản trở giao thông, gần 30 cột điện bị đổ, gãy khiến hệ thống điện lưới bị ảnh hưởng.

Vào khoảng 5h sáng nay, xe khách giường nằm của hãng xe Vạn Lục Tùng đang lưu thông theo hướng từ thành phố Hưng Yên lên Phố Nối, khi đi qua địa bàn xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động do tránh cây đổ ngang đường nên xe đã bị lật xuống mương tiêu nước.

Xe khách chở 30 người bị lật xướng mương tiêu nước tại địa phận huyện Kim Động do tránh cây đổ ngang đường

Được biết, xe khách này đang trên đường từ Đà Nẵng về thành phố Hải Dương để trả khách. Thời điểm xảy ra vụ việc, trên xe có khoảng 30 hành khách. Sự cố trên khiến cho 2 hành khách trên xe bị thương nhẹ, xe khách bị hư hỏng nặng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phòng Cản sát giao thông, Công an tỉnh và Công an huyện Kim Động đã có mặt kịp thời tại hiện trường để giúp đỡ hành khách và phân luồng giao thông.

Tính đến 11h trưa  ngày 28/7, bão số 1 đã làm 1.050 ha lúa của huyện Ân Thi bị ngập cục bộ

Theo tổng hợp của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ân Thi, tính đến 11h trưa 28/7, bão số 1 làm 1.050 ha lúa của bà con bị ngập cục bộ. Diện tích rau màu bị dập nát là 22ha, 16ha chuối và 7,5 ha đu đủ bị gãy đổ. Đối với cây nhãn bị rụng quả chiếm 20% trong tổng số trên 320 ha nhãn cho thu hoạch.

Xã Tiền Phong là địa phương có nhiều diện tích trồng cây ăn quả và rau màu của huyện, thiệt hại ban đầu do cơn bão số 1 gây ra ước tính gần 10 tỷ đồng.

Tại trường THCS Hồng Vân, gió mạnh đã làm tốc mái hệ thống chống nóng của các lớp học với diện tích gần 500m2. Toàn huyện có 300 cây xanh bị gãy đổ và bật gốc.

Huyện Khoái Châu có khoảng 80% chuối tiêu hồng bị gãy, đổ. Trong đó đổ rạp khoảng 50%. Nhiều diện tích chuối quả non và chuối phục vụ Tết đều bị thiệt hại nặng, tập trung ở các xã Tân Châu, Tứ Dân, Đại Tập, Đông Ninh, Đông Kết, Bình Kiều; ước thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng.

Về diện tích nhãn, do ảnh hưởng của bão nhiều cây chuẩn bị cho thu hoạch đều bị rụng quả, tập trung tại các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Bình Minh, Tân Dân...

Cây đu đủ bị đổ gãy khoảng 15 ha, tập trung tại các xã Bình Minh, An Vĩ, Bình Kiều, Tân Dân, Hàm Tử… ước thiệt hại khoảng 2 tỷ.

Ngoài ra, một số công trình xây dựng của huyện cũng bị ảnh hưởng với 188 mái che, mái vẩy, trên 30 lều lán, mái tôn bị hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Theo thống kê của huyện Yên Mỹ, tính đến 10h sáng, toàn huyện có khoảng 831 ha lúa bị ngập úng. Trong đó, diện tích lúa bị ngập trắng khoảng 256 ha.  Có khoảng trên 200 ha cây rau màu, cây ăn quả bị ngập và thối rễ. Một số địa phương có diện tích bị ngập úng nặng như: Đồng Than, Trung Hòa, thị trấn Yên Mỹ, Yên Hòa, Việt Cường.

Trên địa bàn huyện có 3 ngôi nhà ở 2 xã Lý Thường Kiệt và Yên Hòa bị lật mái.

Tính đến 11h trưa ngày 28/7, mưa lớn đã làm ngập úng khoảng 180 ha lúa tại các xã Dị Sử, Hưng Long và xã Phùng Chí Kiên ở huyện Mỹ Hào.

Ngoài ra, gió lớn đã làm đổ 3 cột điện tại các xã Nhân Hòa, Dị Sử và Hưng Long. Ngay sau khi xảy ra sự cố mất điện, Điện lực Mỹ Hào đã tập trung phối hợp với các địa phương khắc phục sự cố.

Tại huyện Văn Lâm, tính đến đầu giờ chiều, ngoài một số cây bóng mát, cây ăn quả và một số biển quảng cáo tại các trục đường giao thông, khu dân cư bị gió bão làm đổ mưa lớn đã làm ngập úng trên 55 ha lúa tại các xã Trưng Trắc, Lạc Hồng và Đình Dù.

Tại Tiên Lữ , bão số 1 đã khiến cho 1.800 ha lúa mùa của huyện bị ngập, trong đó 800 ha ngập hoàn toàn, tập trung nhiều ở các xã An Viên, Thủ Sỹ, Cương Chính, Minh Phượng.

Hơn 30 ha nhãn sắp cho thu hoạch ở các xã Hưng Đạo, Thủ Sỹ, Thiện Phiến bị gió bão làm cho rụng, nứt quả, sản lượng nhãn thiệt hại ước tính khoảng 30%. Nhiều chủ vườn nhãn với diện tích từ 5 sào trở lên ở Tiên Lữ thiệt hại từ 30 đến 40 triệu đồng.

Đến 14 giờ chiều, tại huyện Tiên Lữ vẫn chưa có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất nên các trạm bơm tiêu chưa thể hoạt động, dẫn đến nhiều diện tích lúa bị ngập nặng khó phục hồi.

Bên cạnh đó, toàn huyện có hơn 10 nghìn tấm blô xi măng của các hộ dân bị gió bão thổi bay.

Huyện Phù Cừ có hơn 200 ha ngô và 300 ha chuối bị đổ dập khó có khả năng hồi phục. Toàn huyện còn có 70 ha rau màu bị ảnh hưởng do gió lớn và mưa kéo dài.

30 nóc nhà của các hộ dân, chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái. 4 cột điện cao thế và một số cột điện nhỏ bị đổ, đứt dây đã được các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Văn Giang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng ít nhất của bão. Toàn huyện chỉ có khoảng trên 10ha hoa cây cảnh bị ngập úng sinh lý, khoảng 90 ha bị ngập luống.

hungyentv.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
35 người đang online