22/10/2014 | lượt xem: 4 Tin học - Thống kê tài chính vươn lên những tầm cao mới Hệ thống Tin học Thống kê ngành Tài chính vinh dự kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (22/10/1989 – 22/10/2014). Đây là sự kiện trọng đại ghi dấu ấn chặng đường 25 năm thành lập và phát triển, quá trình xây dựng trưởng thành và những đóng góp của các thế hệ cán bộ Tin học, Thống kê đối với sự nghiệp phát triển ngành Tài chính trong một phần tư thế kỷ qua. Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Đặng Đức Mai "Với khí thế, sức trê tuổi 25,với nỗ lực vươn lên, bám sát định hướng, hệ thống Tin học, Thống kê tài chính, sẽ vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao Năm 2014, lần thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính giữ vị trí đứng đầu trong khối các cơ quan Bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng CNTT-TT Việt Nam. Đạt được thành tích như vậy không chỉ là thành quả, là niềm vinh dự của thế hệ hôm nay mà đó chính là thành quả được xây dựng, được tích tụ từ truyền thống 25 năm vẻ vang, 25 năm cống hiến của các thế hệ cán bộ tin học thống kê ngành tài chính. Trong niềm vinh dự đó, chúng ta tự hào ôn lại những chặng đường vẻ vang đã qua của hệ thống tin học thống kê ngành Tài chính. Ngày 22/10/1989, với việc thành lập Tổ nghiên cứu Đề án tổ chức hệ thống tin học ngành tài chính, công cuộc nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNTT vào công tác quản lý tài chính đã chính thực khởi động. Tổ nghiên cứu gồm 8 cán bộ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chánh văn phòng Bộ lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (sau là Bộ trưởng Bộ Tài chính, nay là Chủ tịch Quốc hội), và đồng chí Phạm Văn Thuận (nguyên Cục trưởng đầu tiên của Cục Tin học và Thống kê tài chính). Đây cũng là dấu mốc đánh dấu cho sự hình thành bộ máy tổ chức của Cục Tin học và Thống kê tài chính ngày nay là đơn vị được Bộ giao thống nhất quản lý và ứng dụng CNTT trong toàn ngành Tài chính. Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, về tổ chức Bộ Tài chính đã có 6 đơn vị CNTT cấp Cục ở trung ương, tại cấp tỉnh có hệ thống các phòng tin học/các trung tâm dữ liệu. Về nhân sự, đến nay ngành Tài chính có khoảng 3.685 cán bộ làm công tác CNTT chiếm 5% trong tổng số cán bộ công chức của ngành Tài chính (với 451 cán bộ tin học trung ương và 3.234 cán bộ tin học ở địa phương), trong đó có 5 cán bộ có trình độ tiến sĩ, 51 cán bộ có trình độ thạc sĩ và còn lại là cán bộ có trình độ cử nhân/kỹ sư trong lĩnh vực CNTT. Với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, với lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ và nhiệt huyết với nghề, trong 25 năm qua việc ứng dụng CNTT của ngành tài chính đã và đang đi đúng định hướng. Cho đến nay, hệ thống Tin học Thống kê đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp hiện đại hóa ngành Tài chính. Đó là: Ngành Tài chính đã thực hiện tin học hóa hơn 95% nghiệp vụ với hơn 100 ứng dụng phần mềm đã được triển khai trong toàn ngành phục vụ công tác chuyên môn, sẵn sàng cho việc truy cập và khai thác thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai các ứng dụng lớn, tích hợp, tập trung dữ liệu theo chuẩn quản lý công nghệ thông tin tiên tiến ERP, tiêu biểu như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (hệ thống TABMIS) đã hoàn thành triển khai và tiếp nhận quản trị vận hành thành công trên phạm vi toàn quốc. Dự án đã đạt cơ bản các mục tiêu đề ra là nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, giảm thiểu tiêu cực trong thực hiện và chấp hành ngân sách, và tăng tính lành mạnh tài chính thông qua hiện đại hóa các chức năng quản lý ngân sách và Kho bạc Nhà nước. Hệ thống Quản lý thuế Thu nhập cá nhân được triển khai trong cả nước, quản lý hơn 20 triệu người nộp thuế đã hỗ trợ tối đa các chức năng cơ bản trong quản lý thuế TNCN. Dự án đã đánh dấu bước thành công lớn của ngành Thuế trong hoạt động quản lý thuế gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuế. Ngày 01/4/2014, hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia - VNACCS/VCIS được triển khai chính thức đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp với thời gian xử lý thông quan được rút ngắn. Việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VICS có ý nghĩa rất lớn, khi lần đầu tiên đưa vào áp dụng chính thức trong toàn ngành Hải quan một hệ thống thông quan hàng hóa theo thông lệ quốc tế, đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến khu vực Đông Nam Á. Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách và trợ giúp cơ quan quản lý có thông tin nhanh số thu vào ngân sách nhà nước qua Kho bạc, Bộ Tài chính cũng đã triển khai hệ thống trao đổi thông tin về chứng từ thu ngân sách nhà nước Thuế - Kho bạc - Hải quan - Tài chính đã góp phần cải cách thủ tục hành chính. Điểm nhấn quan trọng nữa là hiện tại ngành Tài chính đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông thống nhất, kết nối 100% các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện đảm bảo phục vụ cả các hoạt động tác nghiệp quan trọng hàng ngày của ngành về thu chi ngân sách, trao đổi dữ liệu nghiệp vụ, điều hành tại các phân hệ và các đơn vị trực thuộc Bộ. Cùng với đó là việc trang bị cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại từ các thiết bị đầu cuối như máy trạm, đến hệ thống máy chủ, mạng LAN, hệ thống an toàn bảo mật và đặt biệt là các trung tâm dữ liệu hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu xử lý và lưu trữ dữ liệu tập trung tại cấp Trung ương hoạt động 24/7 phục vụ hoạt động tác nghiệp hàng ngày của các đơn vị trong toàn ngành. Một trong những ưu tiên hàng đầu mà Bộ Tài chính tập trung triển khai trong thời gian qua là ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, thông qua Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đã tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành về lĩnh vực tài chính, tạp kênh cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện chương trình cải cách hành chính. Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các Tổng cục đã cung cấp 980 dịch vụ hành chính công mức 1, mức 2; 6 dịch vụ hành chính công đạt mức độ 3; 8 dịch vụ hành chính công mức độ 4. Cung cấp miễn phí các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: kiosk thông tin; ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế - mã vạch; ứng dụng khai hải quan điện tử… Song song với đó, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ứng dụng CNTT được coi là yếu tố mang tính quyết định. Việc quy hoạch phát triển bộ máy tổ chức tin học ở cấp trung ương và hệ thống tin học ngành, cũng như việc kiện toàn tổ chức tin học (cấp phòng hoặc trung tâm) tại địa phương được đẩy mạnh. 100% đội ngũ cán bộ nghiệp vụ tài chính được phổ cập ứng dụng CNTT, phục vụ trao đổi công việc chuyên môn, được tập huấn các chương trình tác nghiệp trong khâu triển khai. Hàng năm, các khóa đào tạo chuyên sâu về CNTT theo chuẩn quốc tế, đào tạo lại, cập nhật kiến thức công nghệ mới được tổ chức cho gần 900 lượt cán bộ, trong đó có cả các cán bộ lãnh đạo cấp cao. Bên cạnh nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT, thống kê tài chính cũng là mảng công việc quan trọng mà Bộ Tài chính giao phó cho tin học và đến nay công tác thống kê dự báo của Bộ Tài chính cũng đã đạt được những thành tựu nhất định như: hệ thống danh mục dùng chung được sử dụng thống nhất trong các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và hoạt động nghiệp vụ trong ngành Tài chính để đảm bảo việc tổng hợp, trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị trong và ngoài ngành; cung cấp kịp thời các thông tin về kinh tế, xã hội phục vụ công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính; đến năm 2013 đã xuất bản 15 cuốn niêm giám thống kê tài chính… Có được các kết quả trên, trong quá trình triển khai chúng tôi nhìn nhận được một số bài học kinh nghiệm sau: Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo: 25 năm qua, hệ thống CNTT- Thống kê ngành Tài chính đã qua nhiều Lãnh đạo Bộ phụ trách và đều nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng đến các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực tiếp triển khai. Việc quan tâm của lãnh đạo các cấp với quan điểm chỉ đạo, quản lý xuyên suốt và thống nhất tập trung các nguồn lực cho đầu tư ứng dụng CNTT, coi đầu tư CNTT là đầu tư cho phát triển, đây chính là yếu tố cơ bản quyết định đến thành công trong triển khai CNTT. Ngoài ra, hệ thống Tin học Thống kê tài chính còn vinh dự được nhận nhiều: Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính và nhiều giải thưởng trong lĩnh vực CNTT-TT (giải Sao Khuê; cúp Vàng, Bạc, Đồng về giải pháp và sản phẩm CNTT; giải thưởng CIO tiêu biểu đối với Lãnh đạo CNTT…). Thế hệ cán bộ Tin học Thống kê ngành Tài chính hôm nay luôn ghi nhớ và mãi mãi không quên công lao gây dựng, những đóng góp và hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ đi trước. Bằng trí tuệ, nhiệt huyết các đồng chí đã để lại cho chúng ta một gia tài quý giá, ý chí quyết tâm và nghĩa tình đồng nghiệp cao cả. Trong thời gian tới, Tin học Thống kê ngành Tài chính cần tập trung triển khai theo Nghị Quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 01/7/2014. Bộ Tài chính cần xây dựng kế hoạch chi tiết hóa thiết kế hệ thống thông tin tổng thể của ngành tài chính nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ quản lý điều hành, công khai, minh bạch; đẩy mạnh phục vụ người dân doanh nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin tích hợp, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thực hiện thành công Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định số 1553/QĐ-BTC ngày 8/7/2014 về việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với khí thế, sức trẻ của tuổi 25, với nỗ lực vươn lên, bám sát định hướng, hệ thống Tin học, Thống kê tài chính sẽ vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Tiếp tục phấn đấu, thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với công việc, để xứng đáng với truyền thống cần cù, sáng tạo, xứng đáng với sự kỳ vọng, niềm tin yêu tốt đẹp nhất, thân thương nhất, mà hệ thống đã được đón nhận. Theo mof.gov.vn
Triển khai thực hiện Đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Chào mừng kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và ngày Quốc tế lao động 01/5
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Tài chính