Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

Đó là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 10 và quý IV/2013 của ngành Tài chính được công bố tại buổi họp báo chiều ngày 10/10/2013 tại trụ sở Bộ Tài chính. Trước tình hình kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm 2013 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã và sẽ nỗ lực, phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh. H.Thọ

Thứ nhất, tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

Do tình hình cân đối NSNN khó khăn, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ động; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước của cả năm.

Thứ hai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ

Căn cứ Quyết định số 128/QĐ-BTC ngày 17/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiệnNghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tài chính.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước trọng điểm có số thu NSNN lớn để tiếp tục giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường quản lý thu ngân sách, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2013. Kiểm tra chặt chẽ công tác hoàn thuế. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nợ đọng đến cuối năm không quá 5% số thực hiện thu.

Đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, tăng cường kiểm soát chi ngân sách, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA,...

Quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí dự toán ở các cấp ngân sách theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Hướng dẫn các địa phương căn cứ vào khả năng thu để tổ chức điều hành chi NSĐP chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm. Thực hiện tốt các chính sách về tiền lương và an sinh xã hội đã ban hành; hỗ trợ cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai;...

Thứ tư, tập trung thực hiện xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm năm 2013; đồng thời chủ động rà soát, tham mưu chương trình xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tế của nền kinh tế

Tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng tốt các đề án cơ chế, chính sách, đặc biệt là các dự án Luật; các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Chương trình công tác

Rà soát, xác định những hạn chế, bất cập của cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách thu theo hướng vừa khuyến khích sản xuất trong nước và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vừa động viên hợp lý nguồn thu, chống thất thu ngân sách; cơ chế thực hiện lộ trình giá thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá; chính sách về an sinh xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo, khó khăn; chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh và tăng cường thu hút đầu tư v.v...

Thứ năm, thực hiện việc tăng cường  kiểm soát thị trường, quản lý giá cả

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới; thực hiện nguyên tắc quản lý giá thị trường đi đôi với kiểm soát mặt bằng giá đối với các mặt hàng thiết yếu.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, chú trọng kiểm tra, thanh tra về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và công khai thông tin về giá, nhất là đối với các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu

Song song với việc kiểm soát tốt việc thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế; tập trung sức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, xử lý hiệu quả nợ xấu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh.

Triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia; Phối hợp thu NSNN với các ngân hàng đã ký Thoả thuận phối hợp thu tại tất cả các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý hải quantạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Ảnh minh họa

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính liên quan đến sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước…; Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước. 

Đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị; khẩn trương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thích hợp để từng bước điều chỉnh khung giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, y tế.  

Thứ tám, tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường tài chính và hoạt động của các định chế tài chính

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm cũng như hoạt động của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo cho các thị trường này hoạt động lành mạnh, ổn định, đảm bảo việc tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro và an toàn tài chính; phát hiện, ngăn ngừa và kịp thời xử lý rủi ro.

Tổ chức quản lý, theo dõi và dự báo các luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài để có biện pháp đẩy mạnh thu hút, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam; đồng thời kiểm soát được các luồng vốn vào - ra và có các giải pháp phòng ngừa tác động bất lợi trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi thị trường.

Tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, hội nhập và tài chính đối ngoại trong hợp tác song phương và đa phương. Rà soát, xây dựng lộ trình thực hiện các cam kết cắt giảm thuế trong khuôn khổ các hiệp định đã ký kết, bảo đảm vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Tranh thủ các nguồn vốn ODA, viện trợ không hoàn lại một cách hợp lý, tổ chức quản lý chặt chẽ, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ chín, tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Tài chính.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý tài chính - ngân sách giai đoạn 2011-2015. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong kê khai, nộp thuế.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác triển khai Dự án hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Tài chính - Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước.

Duy trì, củng cố và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận thông tin để thực hiện thủ tục hành chính cũng như giám sát việc thực hiện của các cơ quan tài chính các cấp.

Thứ mười, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính, chú trọng thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế, chống thất thu thuế và gian lận thương mại, công tác quản lý, thanh quyết toán các khoản chi NSNN. Chú trọng công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả xử lý của từng cấp, từng đơn vị, các quỹ tài chính.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ cương, kỷ luật của ngành.


 

Theo BTC

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
27 người đang online