Tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách

Tập trung khai thác các nguồn thu còn tiềm năng, đôn đốc, quyết liệt trong thu hồi nợ thuế và tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về thuế là nhiệm vụ và cũng là giải pháp để ngành Thuế tỉnh có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao.

Hết quý III, thu ngân sách của tỉnh ước đạt trên 4.170 tỷ đồng, đạt 77% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó thu nội địa ước đạt 2.880 tỷ đồng. Về tổng thể, tiến độ thu ngân sách cơ bản bảo đảm dự toán. Tuy nhiên, bên cạnh một số khoản thu đạt khá thì một số khoản thu khác, nhất là các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các khoản thu từ đất như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, tiền sử dụng đất lại đạt thấp và nhiều khả năng trong năm nay các khoản thu này sẽ không đạt dự toán được giao. 
Năm 2013, huyện Kim Động được tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách là 65,4 tỷ đồng, mục tiêu phấn đấu của huyện trong năm là 80,9 tỷ đồng. Qua 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt gần 30,7 tỷ đồng, đạt 47% dự toán giao và 38% chỉ tiêu phấn đấu. Nếu trừ thu tiền sử dụng đất thì tổng thu ước đạt 28.310 triệu đồng, đạt 74% dự toán giao và bằng 99,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân thu ngân sách đạt thấp một phần do cơ chế chính sách về giảm, giãn, miễn thuế của Nhà nước nhưng nguyên nhân chính là do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, thị trường nhà đất trầm lắng. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi Cục trưởng Chi Cục thuế Kim Động cho biết: “Thu ngân sách năm nay vô cùng khó khăn. Một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn được xác định là khó, thậm chí không thể hoàn thành chỉ tiêu giao. Trong đó tác động lớn nhất làm giảm nguồn thu ngân sách của huyện là thu tiền sử dụng đất. Do thị trường bất động sản trầm lắng nên mặc dù huyện đã tổ chức các đợt đấu giá quyền sử dụng đất nhưng tỷ lệ thành công không cao, kéo theo đó là không thu được tiền sử dụng đất thông qua đấu giá. Thêm nữa cũng do thị trường này không sôi động nên việc chuyển nhượng đất đai ít diễn ra khiến thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ liên quan đến đất cũng bị ảnh hưởng. 9 tháng đầu năm, thuế thu nhập cá nhân toàn huyện mới thu đạt 46% dự toán, thu tiền sử dụng đất mới đạt 8,7% dự toán…”. 
Cán bộ Cục Thuế và Chi cục Thuế thành phố Hưng Yên kiểm tra,
hướng dẫn cơ sở thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Không chỉ Kim Động mà tại tất cả các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn tương tự trong thu ngân sách. Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013, ngành Thuế đã triển khai các giải pháp chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách với các giải pháp cụ thể là: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, tập trung vào các đối tượng có nhiều rủi ro để khai thác tăng thu ngân sách; đôn đốc, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tỷ lệ nợ đọng thuế đến cuối năm còn khoảng 5% tổng thu ngân sách; quản lý, điều hành thu ngân sách chủ động, kịp thời; bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để quản lý nguồn thu theo từng sắc thuế, từng đơn vị thu; tập trung khai thác các nguồn thu còn tiềm năng như: Nguồn thu thuế tài nguyên, thu phí BVMT đối với hoạt động khai thác tài nguyên, thu tiền sử dụng đất từ xử lý đất dôi dư…

Do điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu trốn thuế, nợ thuế. Mặt khác, có những doanh nghiệp do sản xuất gặp khó khăn, nợ thuế, có nguy cơ phá sản, giải thể nên Cục Thuế chỉ đạo các phòng chức năng, các chi cục cần rà soát, bám sát địa bàn để phối hợp thu thuế cũng như thực hiện cưỡng chế thu nộp thuế đối với các đối tượng này. Đối với các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu rủi ro về thuế như: Xây dựng cơ bản, kinh doanh vàng bạc, bất động sản, hoạt động chuyển giá… ngành Thuế đã tập trung khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế. Trong 9 tháng đầu năm, ngành Thuế tỉnh đã đôn đốc thu hồi nợ thuế cũ năm 2012 được trên 300 tỷ đồng và thường xuyên đôn đốc thu hồi nợ thuế mới phát sinh trong năm.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông các khoản thu, nhất là các khoản thu từ đấu giá đất, xử lý đất dôi dư, đất xen kẹt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… là các khoản thu còn tiềm năng. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc về đất đai sẽ làm tăng thu từ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ. Một số địa phương như Văn Lâm và thành phố Hưng Yên đã có những cải tiến trên cơ sở điều kiện thực tế để tăng tỷ lệ thành công của các đợt đấu giá quyền sử dụng đất như: Giảm diện tích trên mỗi suất đất đấu giá, mỗi đợt tổ chức đấu giá chỉ thực hiện đối với số ít suất đất… Ví dụ như chia suất đất thành các lô có diện tích 60 – 70 m2 thay vì 100 m2 như trước đây hoặc chỉ lựa chọn một số suất đất để tiến hành đấu giá thay vì tổ chức 1 lần với tất cả các suất đất… Nhờ vậy sau 9 tháng đầu năm, 2 địa phương trên đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu giao về thu tiền sử dụng đất, đóng góp cho kết quả chung của cả tỉnh về thu tiền sử dụng đến hết quý III là trên 415 tỷ đồng, đạt gần 57,9% dự toán giao. Ông Đỗ Tất Cường, Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất, Cục Thuế cho biết: “Từ nay đến cuối năm, nếu các địa phương tập trung thực hiện rà soát, kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là xử lý đất dôi dư thì sẽ góp phần làm tăng thu cho ngân sách từ các khoản thuế, phí liên quan đến đất như: Tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ… Hiện nay ngành Thuế tỉnh đang tích cực phối hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường và các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, khai thông nguồn thu từ đất”. 
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm phát sinh và xử lý thu nộp ngân sách, chống thất thu cho ngân sách.
Sau khi UBND tỉnh có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước của tỉnh, Cục Thuế cũng đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo của Cục và chỉ đạo, yêu cầu chi cục thuế các huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo của chi cục và tham mưu với huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo của địa phương. Đến nay cơ bản các địa phương, chi cục thuế đã thành lập ban chỉ đạo nhằm tập trung nguồn lực, tổ chức phối hợp giữa ngành thuế và các ngành chức năng trong việc rà soát, thống kê, quản lý đối tượng nộp thuế và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khai thông nguồn thuế, phí, lệ phí thu nộp ngân sách. 
Báo Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
34 người đang online