31/12/2013 | lượt xem: 3 Ngành tài chính tập trung Thu - Chi NSNN đạt kết hoạch ngay từ những ngày đầu năm 2014 Ngày 30/12/2013, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác Tài chính – Ngân sách năm 2013 và Triển khai nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách năm 2014. Tại đầu cầu của Bộ tài chính, Ngành Tài chính đã rất vinh dự, tự hào được đón Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ chính trị - Thủ Tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị, tham dự và chủ trì hội nghị Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Ban cán sự Đảng – Bộ Trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Trung ương Đảng – Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tại 59 điểm cầu trong cả nước, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội. Tại điểm cầu Hưng Yên, tới dự và chủ trì hội nghị có Đồng chí Nguyễn Xuân Thơi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng tham dự có Đồng chí Lê Thế Tỉnh – Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Tài chính và các đồng chí PGĐ Sở, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc KBNN tỉnh, đồng chí Nguyễn Tuấn Cường – Phó GĐ Sở kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Chu Tường Anh – Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh, Đồng chí Nguyễn Ngọc Khánh – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hưng Yên, đại diện lãnh đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên, cùng các đồng chí Trưởng các Phòng thuộc Sở Tài chính và Trưởng phòng Tài chính – KH các huyện, thành phố. Điều hành thu - chi ngân sách chặt chẽ Theo báo cáo của Đồng chí Thứ Trưởng Thường Trực Nguyễn Công Nghiệp tại Hội nghị, trong điều kiện phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2013 được giao nặng nề, nhưng toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, điều hành thu - chi ngân sách chặt chẽ, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Cụ thể, toàn ngành đã đạt được các kết quả tích cực, cụ thể: Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa; Tập trung điều hành quyết liệt thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu; Công tác huy động vốn, quản lý nợ công được thực hiện chủ động, tích cực và linh hoạt; Tăng cường quản lý giá, góp phần kiềm chế lạm phát; Đảm bảo an sinh xã hội; Tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Một số chỉ tiêu đạt được của ngành được cụ thể trong báo cáo: Về kết quả thu ngân sách, đến nay ước tổng thu NSNN (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt kế hoạch dự toán (loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán), tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Trong đó, đã thu vào NSNN trên 20.000 tỷ đồng cổ tức DNNN và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ, thu tiền sử dụng đất đạt khoảng 42.500 tỷ đồng, vượt trên 3.300 tỷ đồng so số báo cáo Quốc hội,... Số tăng cân đối thu thêm đã đảm bảo thanh toán 14.800 tỷ đồng nợ hoàn thuế GTGT phát sinh năm 2013. Các địa phương trọng điểm thu ước đạt và vượt dự toán thu trên địa bàn, như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà rịa - Vũng tàu, Vĩnh Phúc,... Về tổng chi NSNN ước đạt dự toán Quốc hội đã quyết định, trong điều hành, mặc dù thu ngân sách khó khăn, nhưng đã chủ động huy động các nguồn lực để đảm bảo các nhu cầu chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trả nợ, cải cách tiền lương, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, đã tập trung giải ngân vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước dự toán năm sau (vốn đối ứng các dự án ODA; các dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14;...). Công tác quản lý chi tiêu được tăng cường, đến 31/12/2013, hệ thống KBNN ước thực hiện kiểm soát chi đối với gần 648.300 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đạt 96% dự toán chi thường xuyên, đã phát hiện trên 77.000 khoản chi của trên 34.600 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền trên 1.400 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi theo quy định; đối với chi đầu tư phát triển, đã giải ngân qua hệ thống KBNN ước đạt 223.552 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn năm 2013 (bao gồm cả tạm ứng), thông qua kiểm soát, đã từ chối thanh toán khoảng 80 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, sai số học hoặc không có trong hợp đồng, dự toán,... Về cân đối NSNN, ngành Tài chính đảm bảo giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là dưới 5,3%GDP. Tiếp tục thực hiện chính sách Tiền tệ - Tài khóa hiệu quả Đánh giá các mặt công tác của ngành Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao trong năm qua, ngành Tài chính đã điều hành tốt công tác thu- chi ngân sách, cùng với các giải pháp tăng thu nhằm thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật, ngành Tài chính đã thực hiện miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; đảm bảo an ninh an toàn tài chính, an toàn nợ quốc gia; quản lý chặt chẽ thị trường chứng khoán, bảo hiểm... Về công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, những con số văn bản quy phạm pháp luật ngành Tài chính ban hành và tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý cần hoàn thành đúng hạn các dự án, đề án theo đúng kế hoạch đề ra, đồng thời chú trọng chất lượng của các văn bản ban hành. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, ngành Tài chính và các địa phương đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thu- chi ngân sách. Tính đến thời điểm hiện nay đã vượt kế hoạch dự toán gần 1%. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là kết quả đáng mừng vì năm nay trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả vẫn đạt và vượt dự toán. "Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc, ngành Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính- ngân sách trong năm 2013, góp phần vào thành tựu chung của cả nước", Thủ tướng nói. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong năm 2014, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, nhưng Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn gắn với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội... Do đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tốt hơn trong năm 2014 nhằm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: BTC Thủ tướng Chính phủ đồng tình với các nhóm giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ trong năm 2014 của ngành Tài chính, đồng thời đề nghị ngành Tài chính thực hiện tốt 5 giải pháp cụ thể sau: Thứ nhất, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước để điều hành chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa- tiền tệ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, phải thực hiện nghiêm các luật về thuế để bên cạnh việc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cần đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách, tránh thất thu, nợ đọng thuế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa- tiền tệ để đạt các mục tiêu trong năm 2014 như phát hành thành công 400.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tăng bội chi ở mức 5,3% GDP nhưng không ảnh hưởng tới lạm phát, hay lãi suất và tỷ giá. Thứ hai, tập trung thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính phải xác định rõ nhiệm vụ ngay từ đầu năm để có kế hoạch hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao với mục tiêu tăng thu, giảm chi để giảm bội chi, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn tài chính quốc gia. Thứ ba, quản lý chặt chẽ tiết kiệm chi. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ Tài chính cần có các giải pháp nhằm kiên quyết tiết kiệm chi. Trong trường hợp ngoài thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ kiến nghị trình các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp để triệt để tiết kiệm chi tiêu. Thứ tư, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trong tâm là tái cơ cấu đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng để hệ thống tài chính- ngân hàng, huyết mạch của nền kinh tế hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị ngành Tài chính đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là công tác cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sử dụng tốt vốn của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ hy vọng trong năm 2014, khi nền kinh tế được phục hồi, thị trường chứng khoán khởi sắc thì phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Thứ năm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tài chính tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, vừa tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục, vừa phải đảm bảo thu đúng, thu đủ. Thủ tướng Chính phủ hy vọng rằng với sự đoàn kết, nhất trí, quyết liệt trong hành động và sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2014, ngành Tài chính sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao phó. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với tập thể Lãnh đạo Bộ Tài chính. Ảnh: BTC Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ghi nhận ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty. Ngành Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty quán triệt và thực hiện tốt những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị cán bộ, công chức trong toàn ngành quán triệt, triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu năm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị và các giải pháp đề ra trong Báo cáo của Hội nghị; yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ tiếp thu ý kiến tham gia, góp ý của các đại biểu tại Hội nghị và ý kiến gửi về sau Hội nghị để nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách và giải pháp, quyết liệt trong triển khai thực hiện./. Ban biên tập Website Sở Tài chính Hưng Yên
Sở Tài chính Hưng Yên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Tài chính năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019
Giao hữu thể thao nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945-28/8/2017) và Chào mừng Đại hội Công đoàn CS Sở Tài chính lần thứ X, nhiệm kỳ 2017-2022.
Kế hoạch số 100/KH-STC về việc Tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng 70 năm ngày thành lập Ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1948 - 28/8/2015))