24/02/2013 | lượt xem: 3 Hưng Yên: Thị trường ổn định đầu năm Tết Nguyên đán năm nay, mặc dù được nghỉ dài ngày nhưng tại các chợ trên địa bàn tỉnh, ngay từ sáng mồng 2 tết đã có rất nhiều hàng, quán mở cửa phục vụ. Tuy nhiên, khác với quy luật tăng giá đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả vào dịp sau tết hàng năm, năm nay các doanh nghiệp, các tiểu thương phân phối, cung ứng sản phẩm bảo đảm dồi dào về số lượng, ổn định về giá, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có tăng đôi chút so với ngày thường, song đều nằm trong quy luật và người dân chấp nhận được. Qua đánh giá của ngành công thương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2013 như gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, rau củ quả, bánh mứt kẹo, rượu bia, mắm muối, mỳ chính... trong các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các doanh nghiệp và các đại lý, các hộ kinh doanh tại thành phố và các huyện khá dồi dào, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Ra tết, giá cả các mặt hàng ổn định, đúng mức độ, phản ánh nhu cầu thực của thị trường so với trước và trong tết. Rau xanh là mặt hàng luôn có sức mua lớn nhất trong các chủng loại thực phẩm, hàng năm thường xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến. Tuy nhiên năm nay, trong điều kiện thời tiết ấm áp, các loại rau, củ quả đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch đồng loạt, vì vậy lượng rau, củ quả tương đối dồi dào, đáp ứng sức mua và không xảy ra sự biến động về giá... Khảo sát thực tế tại chợ Phố Hiến sáng ngày 13 tháng Giêng (âm lịch), hầu hết các loại rau, củ quả đều ở mức ổn định, thậm chí nhiều loại rau còn có mức giá thấp hơn tới 50% so với dịp tết và thấp hơn tới 70% so với dịp giá rau tăng đột biến khi thời tiết rét đậm kéo dài cuối năm 2012. Đối với các mặt hàng thực phẩm như: Thịt bò, gà, thịt lợn, mức giá không những không tăng mà còn giảm so với ngày thường và giảm từ 10 đến 15% so với dịp tết. Gà ta được bán đến tay người tiêu dùng với giá 120.000 đồng/kg; gà Tam Hoàng mổ sẵn giá 100.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn giá 85.000 đồng/kg, thịt nạc vai giá 90.000 đồng/kg, chân giò giá 60.000 đồng/kg, sườn non dao động từ 90 đến 100.000 đồng/kg; thịt bò thăn giá 250 đến 260.000 đồng/kg. Tại nhóm thực phẩm này còn bị giảm sút nghiêm trọng về sức mua so với dịp trước tết vì đây là các mặt hàng có khả năng chế biến thành nhiều món ăn sẵn như: Giò, chả, thịt đông, lạp xườn, thịt hun khói, bò khô, ruốc… giúp khách hàng có thể dùng làm quà tặng, biếu và tích trữ dài ngày trong dịp Tết, vì vậy lượng đồ ăn đã chế biến từ các mặt hàng này còn tồn đọng khá nhiều, kéo theo tình trạng giảm bớt sức mua. Bên cạnh đó, năm nay do điều kiện khó khăn của nền kinh tế đã tác động rất lớn đến sức mua của người tiêu dùng. Ảnh: Thu Lương Giá cả giảm mạnh, nguồn hàng dồi dào, phong phú nhưng tại các chợ trên địa bàn thành phố luôn trong cảnh người bán nhiều hơn người mua. Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương kinh doanh tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) cho biết: "Chưa có năm nào ế ẩm như năm nay. Những năm trước, chỉ đến mùng 5, mùng 6 tết là sức mua đã hoàn toàn phục hồi so với ngày thường. Tuy nhiên năm nay, đến ngày mùng 10 tết, sức mua vẫn rất thấp, không chỉ giảm mạnh so với những ngày trước tết mà còn giảm khoảng 40 đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái". Cùng chung tình cảnh thưa thớt người mua, các mặt hàng thuỷ, hải sản tươi sống cũng rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài trong những ngày sau tết. Theo các chủ đại lý và các tiểu thương buôn bán tại các chợ lớn như: Chợ Gạo (thành phố Hưng Yên, chợ Phủ (thị trấn Khoái Châu), chợ Trần Cao (Phù Cừ)... cho biết: Do căn cứ vào quy luật tăng đột biến về sức mua sau tết đã tồn tại từ nhiều năm nên năm nay việc chuẩn bị hàng hoá được chủ động từ rất sớm. Trữ lượng hàng hoá của các đại lý đều rất dồi dào nhưng lượng người mua rất thấp. Giá cả các mặt hàng vì thế cũng không thể tăng mạnh được. Tại siêu thị T-Mart (thành phố Hưng Yên) mở cửa phục vụ khách hàng từ ngày mùng 6 tết, lượng khách chủ yếu tập trung vào buổi chiều muộn và mua thực phẩm đông lạnh, đồ dùng thiết yếu. Giá cả trong các siêu thị này hiện đã ổn định trở lại và niêm yết bằng với trước tết. Nhìn chung, đến nay mọi hoạt động buôn bán tại các chợ và các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường. Sau tết, hàng hóa cung ứng ra thị trường đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, hình thức đẹp, khá hấp dẫn người tiêu dùng. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, chinh phục niềm tin của người tiêu dùng bằng chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì, hàng hóa nhập khẩu phục vụ tết giảm mạnh. Tình trạng ổn định về giá của hầu hết các mặt hàng vào dịp sau tết được ngành Tài chính nhận định, sẽ không chỉ diễn ra trong năm nay mà về cơ bản sẽ tái lập trong những năm tiếp theo. Số liệu của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong tháng 1, mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân tăng cao, nhưng trong tháng này, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, sức mua trên thị trường cũng không lớn. Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã tăng 0,96% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ ước đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 1,64% so với tháng trước. Việc giá cả thực phẩm sớm trở lại bình thường đã phản ánh đúng nhu cầu thực của thị trường, khiến cho cả sinh viên, công nhân và người lao động sau nghỉ tết “dễ thở” hơn, đồng thời cũng khiến các gia đình có nhiều lựa chọn cho mỗi bữa ăn hàng ngày. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc các tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thực phẩm điều chỉnh giá cả phù hợp nhu cầu, chứng tỏ sự linh hoạt và là dấu hiệu cho sự cạnh tranh lành mạnh, văn minh, thực chất đang nhen nhóm trên thị trường và trong cả nền kinh tế. Theo báo Hưng Yên
Sở Tài chính Hưng Yên kính mời: Ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc công ty, các cổ đông sáng lập của của Công ty Cổ phần Tùng Thư và các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan