Bộ Tài chính triển khai ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2013

Luật Phổ biến giáo dục Pháp luật được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 20/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Tại Luật này, một nội dung hết sức quan trọng được đề cập đó là tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam vào ngày 9/11 hàng năm. Ngày 9/11/2013 ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên. Đây cũng là ngày mà 67 năm về trước Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam được thông qua (9/11/1946). Để hướng tới ngày lễ trọng đại này của những người làm công tác pháp luật, đặc biệt đối với những người làm công tác pháp luật của ngành Tài chính, Cổng TTĐT Bộ Tài chính xin giới thiệu bài viết của Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính về ngày Lễ đặc biệt này.

Ảnh minh họa

Tại nhiều nước trên thế giới, Ngày Pháp luật hay “Ngày Hiến pháp” được tổ chức trọng thể như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, với việc ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật Quốc hội quy định lấy ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước ta ngày 9/11 làm ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam.

Ngành tài chính đón nhận và triển khai các hoạt động của Ngày Pháp luật nước CHXHCH Việt Nam (Ngày pháp luật) với nhiều kinh nghiệm phong phú đúc rút sau một số năm tổ chức “Ngày pháp luật tài chính 28/8” theo sáng kiến của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Tài chính.
Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2013, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2707/QĐ-BTC ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2013”. Mục tiêu xuyên suốt tuần lễ hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2013 là hướng tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và thực hiện pháp luật tài chính với các hoạt động đa dạng thông qua việc xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật rộng khắp trong toàn ngành tài chính từ trung ương đến địa phương và đến cán bộ, công chức, viên chức hàng nghìn đơn vị, tổ chức kinh tế, hàng triệu đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật tài chính.
Mặc dù thời gian triển khai Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 chưa nhiều nhưng những hoạt động đã được ghi nhận trong công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là các hoạt động liên quan đến việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi; cho ý kiến đối với Dự án Luật Hải quan sửa đổi; Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các văn bản QPPL quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh  đặc biệt chú trọng đối với các Luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức như Luật Thuế Thu nhập cá nhân, Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đó là các hoạt động đẩy mạnh việc soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính với việc ghi nhận ít nhất đã có 02 Thông tư được ký ban hành và triển khai thực hiện trong kỳ.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đó là các hoạt động tổ chức “Đối thoại doanh nghiệp năm 2013 về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan” tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam; phổ biến rộng rãi 2 dự Luật có hiệu lực từ 01/01/2014 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản quy định chi tiết đến cán bộ, công chức ngành thuế, hải quan và người nộp thuế. Điểm nhấn của các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nêu trên là sự lồng ghép các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, đối thoại doanh nghiệp, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức và đặc biệt là triển khai tập huấn nghiệp vụ pháp chế đã khiến hoạt động Ngày pháp luật thực sự sôi nổi, rộng khắp và thiết thực.
Trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, còn có sự đồng thanh tương ứng có hiệu quả của các báo, tạp chí của ngành như Báo Hải quan, Thời báo Tài chính, Tạp chí Chứng khoán, Tạp chí Thuế, Cổng thông tin điện tử của Bộ và các trang thông tin điện tử của các đơn vị thông qua việc tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin bài tuyên truyền về chính sách, văn bản pháp luật mới và Ngày pháp luật; các chuyên mục như “Điểm tin pháp luật”, “Giới thiệu văn bản pháp luật”, “Bình luận – phân tích nội dung mới của văn bản pháp luật, “Hỏi – đáp pháp luật”... đã hình thành từ nhiều năm tiếp tục được củng cố, phát triển.
Song song với các hoạt động trên, công tác kiểm tra, thẩm định văn bản QPPL, tổ chức theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật cũng là một trong các hoạt động được coi trọng. Đây là công tác thường xuyên đối với tổ chức pháp chế ngành tài chính nhưng trong tuần diễn ra Ngày pháp luật, yêu cầu đặt ra đối với công tác này cao hơn cả về chất lượng, cả về tiến độ.
Là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam song ngành tài chính đã tạo được một Ngày pháp luật mang “sắc thái” riêng của ngành – một Ngày pháp luật không chỉ rộng khắp trong các đơn vị, từ trung ương đến địa phương mà còn đi vào chiều sâu và phong phú, đa dạng về hình thức triển khai. Có 3 điểm quan trọng góp phần mang lại các kết quả ban đầu, đó là:
Thứ nhất, ngành Tài chính đã có kinh nghiệm trong việc triển khai Ngày pháp luật từ trước khi ngày này được thể chế hóa. Đây là “vốn” quý được kế thừa, tích lũy từ quá trình tổ chức Ngày pháp luật tài chính thường niên. Thêm vào đó, “điểm rơi” của Ngày pháp luật là vào thời điểm cuối năm 2013, thời điểm các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2013. Vì vậy, Ngày pháp luật nhanh chóng được hưởng ứng tại các đơn vị.
Thứ hai, là sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ mà trước hết và đặc biệt là  Bộ trưởng và các Thứ trưởng, thủ trưởng các đơn vị. Sự quan tâm ấy còn được thể hiện rất rõ ở việc đưa ra sáng kiến tổ chức Ngày pháp luật tài chính trước đây, cũng như việc đảm bảo các điều kiện thuận lợi để toàn ngành triển khai Ngày pháp luật.
Thứ ba, là về yếu tố con người. Đó là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế chuyên nghiệp, sáng tạo, có ý thức chủ động cập nhật pháp luật để “làm giàu”, làm phong phú thêm ngày lễ trọng đại này.
Với nhân dân ta, ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam là một ngày hội lớn và ngày thượng tôn pháp luật. Với các bộ, công chức, viên chức ngành tài chính, Ngày pháp luật còn có ý nghĩa lớn lao. Đó là ngày tăng cường và đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật, phổ biến pháp luật hướng tới việc hoàn thành nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách được Quốc hội, Chính phủ giao cho. Với ý nghĩa đó, ngày Pháp luật sẽ tiếp tục trong mỗi ngày làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả của cán bộ, công chức và viên chức ngành Tài chính.
Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
41 người đang online