28/04/2016 | lượt xem: 3 Bộ Tài chính họp báo chuyên đề: Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung Đó là nội dung buổi họp báo chuyên đề được Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 28/4/2016. Tham dự và đồng chủ trì họp báo có Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Toàn cảnh buổi họp báo Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, ngày 26/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg quy định việc mua sắm tài sản nhà nước (TSNN) theo phương thức tập trung, ngay sau đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 34/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia; Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 hướng dẫn việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung. Điểm mới trong quy định về mua sắm tập trung Tại buổi họp báo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh cho biết, mua sắm tập trung là phương thức mới trong mua sắm tài sản công và đã được thực hiện tại nhiều nước. Theo quy định hiện hành, điều kiện tài sản được đưa vào danh mục tài sản mua sắm tập trung là các tài sản mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại; tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương địa phương không được trùng lắp với Danh mục tài sản mua sắm tập trung quốc gia do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành và công bố. Cách thức thực hiện mua sắm tập trung được thực hiện theo 2 cách là ký thỏa thuận khung và ký hợp đồng trực tiếp. Bên cạnh đó, cần phải công khai về nhu cầu mua sắm; kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kết quả mua sắm... Ông Tân Thịnh cũng cho biết về tình hình triển khai thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia, theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) bao gồm: Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (trừ xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước); Xe ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xe ô tô chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân). Bộ Tài chính đang xem xét, giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc). Đồng thời Bộ Tài chính có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia của Bộ, ngành TW, địa phương về Bộ Tài chính trước ngày 30/5/2016. Về mua sắm tập trung cấp Bộ, ngành TW, địa phương, Bộ Tài chính đã có Văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung sau: Công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương; Quyết định đơn vị mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương; Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung cấp quốc gia của Bộ, ngành, địa phương. Qua đó, các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện việc xây dựng danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương; giao nhiệm vụ mua sắm tập trung cho các đơn vị, tổ chức, cơ quan có chức năng quản lý về tài sản, tài chính, y tế thực hiện mua sắm tài sản tập trung tại Bộ, ngành, địa phương. Tác động khi thực hiện mua sắm tập trung Việc mua sắm TSNN tập trung sẽ mang lại một số kết quả tích cực như tiết kiệm chi phí mua sắm công với các lý do: Mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm; Giảm đầu mối thực hiện mua sắm do khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm cho mỗi loại mặt hàng. "So với phương thức mua sắm cũ thì dự kiến sẽ tiết kiệm được 10%-17% tổng giá trị tài sản mua sắm", ông Thịnh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện mua sắm tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch. Khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Chào mừng kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và ngày Quốc tế lao động 01/5
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Tài chính