Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài chính - Điểm sáng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cả nước

Sáng nay (04/11/2014), tại Trụ sở Bộ Tài chính, Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước làm việc với Bộ Tài chính đánh giá tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ngành Tài chính và tình tình triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do Bộ Tài chính chủ trì triển khai theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

 

Tại buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông – Ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng, Trưởng Ban Điều hành và các thành viên Ban Điều hành là đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; về phía Bộ Tài chính có đại diện Lãnh đạo Bộ – Ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT Bộ Tài chính và đại diện Lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế,… thuộc Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015, công tác ứng dụng CNTT của ngành tài chính đạt được một số kết quả cụ thể:

1. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, các đơn vị có quan hệ với ngân sách

- Các trang tin điện tử, Website của ngành tài chính đã đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, tuyên truyền hỗ trợ về cơ chế chính sách phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu khai thác thông tin và chuyển tải các chính sách chế độ của ngành tài chính.

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách trên mạng; Đăng ký quản lý tài sản nhà nước qua mạng; Hệ thống cấp mã số thuế TNCN qua mạng; Hệ thống khai thuế qua mạng; Hệ thống khai hải quan qua mạng.

2. Xây dựng các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi

- Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đã triển khai thành công tại 63 tỉnh/thành phố và kết nối với 37 Bộ/Ngành.

- Hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân (PIT): đến nay đã cấp được hơn 15 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân.

- Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) đang được thí điểm tại 2 tỉnh, sẽ hoàn thành mở rộng triển khai toàn quốc trong năm 2015.

- Hệ thống kê khai thuế điện tử: số lượng doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng: 343.590 và số lượng tờ khai điện tử đã tiếp nhận và xử lý: hơn 12 triệu tờ khai;

- Hệ thống hải quan điện tử: đã triển khai 13 hệ thống ứng dụng ở cả 3 cấp (Tổng cục Hải quan, 34 Cục Hải quan thành phố, tỉnh và liên tỉnh, 170 Chi cục Hải quan) với các ứng dụng điển hình như: Thông quan điện tử, xử lý dữ liệu tờ khai hải quan; kế toán thuế hải quan; quản lý giá tính thuế; quản lý hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu, quản lý vi phạm hải quan,…   

3. Xây dựng các ứng dụng phục vụ nghiệp vụ tài chính: Bộ Tài chính đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết nghiệp vụ tài chính: quản lý ngân sách, quản lý giá, quản lý công sản, quản lý đầu tư, quản lý nợ, quản lý thu nộp thuế,…

4. Xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ: Bộ Tài chính đã triển khai một số hệ thống phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong hoạt động nội bộ của Bộ Tài chính như: Phần mềm quản lý văn bản điều hành triển khai tại Bộ Tài chính trợ giúp công tác giám sát, theo dõi, tổng hợp tình hình xử lý công việc; Phần mềm Tổng hợp báo cáo thanh tra; Phần mềm Quản lý tài sản; phần mềm Kế toán nội ngành; Phần mềm Quản lý cán bộ công chức; hệ thống thư điện tử; quản lý thi đua khen thưởng,…

5. Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn theo Quyết định 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính được giao chủ trì thực hiện 04 dự án:

(1) Xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng Internet:

- Mục tiêu: Cải cách thủ tục hành chính về thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.

- Nội dung chính: Xây dựng cổng thông tin điện tử hỗ trợ người nộp thuế thực hiện kê khai và gửi tờ khai điện tử (có sử dụng chữ ký điện tử) đến hệ thống của cơ quan thuế thay thế hình thức khai giấy trước đây.

- Kết quả đạt được: Tính đến tháng 9/2013, 63 tỉnh thành phố trên cả nước đã được triển khai hệ thống khai thuế qua mạng với 389.023 người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử và hơn 15 triệu hồ sơ thuế điện tử đã nhận vào hệ thống quản lý thuế. Hầu hết các tờ khai thuế đã được điện tử hóa, cụ thể là 64 loại tờ khai thuộc 15 sắc thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, tài nguyên,…) đã được khai qua mạng.

(2) Triển khai thủ tục hải quan điện tử

- Mục tiêu: Cải cách và hiện đại hóa thủ tục hải quan theo hướng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Nội dung: Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan thực hiện tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin khai hải quan điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

- Kết quả đạt được: Sau giai đoạn triển khai thủ tục hải quan theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP và Thông tư 196/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, đến hết 2013 hệ thống hải quan điện tử đã triển khai đến 100% các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và 148/170 Chi cục Hải quan; 51.100 doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử (đạt 96% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan); số tờ khai thực hiện hải quan điện tử đạt 5,5 triệu tờ khai (đạt 93,4% tổng số tờ khai hải quan); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 252 tỷ USD (chiếm 95% tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước).

Nhằm tiếp tục hoàn thiện thủ tục hải quan điện tử, đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển mới, đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường sự quản lý nhà nước về hải quan, từ tháng 4/2014 Tổng cục Hải quan đã đưa vào vận hành hệ thống hải quan điện tử và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo công nghệ của Nhật Bản (Hệ thống VNACCS/VCIS), kết quả triển khai hệ thống cho đến nay đã triển khai tới 100% Cục Hải quan tỉnh, thành phố; 100% Chi cục Hải quan; hơn 1.500.000 tờ khai hải quan điện tử; gần 37.000 doanh nghiệp đã tham gia hệ thống.

(3) Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài chính.

Hiện nay, CSDL quốc gia về tài chính đã triển khai 07 CSDL chủ đề: CSDL thu chi ngân sách, CSDL đối tượng người nộp thuế, CSDL đơn vị sử dụng ngân sách, CSDL công sản, CSDL giá trị trường, CSDL văn bản pháp quy, CSDL dùng chung và một số CSDL chuyên ngành như chứng khoán, hàng hóa xuất nhập khẩu,...

(4) Hệ thống thông tin tài chính tích hợp.

- Mục tiêu: Thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia với trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình quản lý tài chính công, bắt đầu từ công tác lập kế hoạch ngân sách, thực hiện, kế toán, báo cáo, kiểm toán và giám sát. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính, xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin lớn trong ngành Tài chính (ngân sách, kho bạc, thuế, hải quan, chứng khoán, dự trữ nhà nước). Tích hợp, đồng bộ các hệ thống thông tin tài chính; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính quốc gia và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thiết lập hệ thống thông tin quản lý, tăng cường khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin và phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

- Trong thời gian qua Bộ Tài chính đã tập trung triển khai các hệ thống thông tin cốt lõi theo các lĩnh vực chuyên ngành để dần từng bước tạo cơ sở cho việc hình thành hệ thống thông tin tài chính tích hợp. Trong đó tập trung triển khai hệ thống trung tâm là Hệ thống thông tin ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS).

6. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin

- Bộ Tài chính đã triển khai thiết lập hệ thống mạng diện rộng, kết nối 100% các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và 100% đơn vị cấp huyện (bao gồm cả các phòng Tài chính Kế hoạch) đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin đa dạng, đa chiều; hỗ trợ đắc lực công tác tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động nghiệp vụ; và kết nối với 40 Bộ/Ngành để phục vụ việc khai thác, sử dụng TABMIS.

- Về An toàn, bảo mật: 100% hệ thống mạng đều có hệ thống kiểm soát, giám sát an ninh (bằng thiết bị phần cứng và phần mềm), hệ thống phòng chống virus đảm bảo hoạt động ổn định cho hệ thống mạng tại các đơn vị trong toàn ngành.

Ngoài các kết quả đạt được ở trên, trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành Tài chính cũng có một số vướng mắc như: vướng mắc về công tác quản lý đầu tư ứng dụng CNTT trong quá trình triển khai một số dự án, hệ thống thông tin có tính chất đặc thù của ngành tài chính; các quy định hiện tại về định mức kỹ thuật còn thấp, chưa phù hợp với các dự án ứng dụng CNTT lớn; chưa có cơ chế thu hút nguồn nhân lực CNTT giỏi làm việc trong cơ quan nhà nước ngành tài chính,…

Với các kết quả đạt được như trên, Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đánh giá cao các kết quả đã đạt được của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính luôn là điểm sáng trong hoạt động triển khai ứng dụng CNTT của cả nước, có được các kết quả trên ngoài truyền thống ứng dụng CNTT còn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, các văn bản, quy chế, quy định đối với hoạt động ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính được ban hành đầy đủ, kịp thời,… Để tháo gỡ một số vướng mắc hiện nay, căn cứ ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp thu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước. 

Kết thúc buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính – Trần Xuân Hà nhất trí trong thời gian tới các đơn vị liên quan hai Bộ cần phối hợp, rà soát hệ thống những văn bản liên quan để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp nhằm tháo gỡ một số vướng mắc hiện nay trong công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.