Chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong 10 năm qua

Đăng ngày 02 - 05 - 2016
100%

Trong những năm gần đây, nguồn lực tài chính thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước đã tăng lên. Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vốn tín dụng đầu tư nhà nước là 37.000 tỷ đồng. Chính sách tín dụng đầu tư được thực hiện qua 2 kênh chính là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.

Giai đoạn 2006 - 2011, chính sách tín dụng đầu tư nhà nước có nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là sự ra đời của VDB theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển, với các điều chỉnh, sửa đổi chính như: (i) Chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình tổ chức tín dụng nhà nước thay vì mô hình tổ chức tài chính nhà nước như trước đây; (ii) Bổ sung vốn điều lệ thêm 7.000 tỷ đồng, lên mức 10.000 tỷ đồng; (iii) Mở rộng nhiều hơn các hình thức huy động vốn và giảm tỷ lệ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước như được phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi theo quy định pháp luật; (iv) Tăng cường các nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác quốc tế như tham gia hệ thống thanh toán quốc tế phục vụ các hoạt động của VDB theo quy định của pháp luật, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu...

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng đầu tư trong giai đoạn này cũng được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với biến động của nền kinh tế. Bộ Tài chính cũng ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng đầu tư như: Thông tư số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP; Thông tư số 16/2009/TT-BTC ngày 22/01/2009 hướng dẫn sửa đổi Thông tư số 69/2007/TT-BTC; 3 văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 138/2007/NĐ-CP là Thông tư số 139/2007/TT-BTC ngày 29/11/2007, Quyết định số 07/2008/QĐ-BTC ngày 29/01/2008 và Thông tư số 49/2009/TT-BTC ngày 12/3/2009.

Điểm nổi bật của chính sách tín dụng đầu tư nhà nước giai đoạn 2006 - 2011 là đã bước đầu xây dựng danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho các dự án đầu tư phát triển thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, thông qua đó tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, góp phần phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tín dụng đầu tư thực hiện thông qua kênh VDB trong giai đoạn 2006 - 2011 tăng trưởng khá mạnh, bình quân đạt gần 17%/năm, gấp hơn 2 lần so với năm 2006.

Giai đoạn từ năm 2012 đến nay, nhằm thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7 - 8%/năm, thì tổng mức đầu tư toàn xã hội vào khoảng 40% GDP/năm. Trong khi đó, vốn tín dụng đầu tư nhà nước sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội để hỗ trợ cho kênh đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Với việc tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư nhà nước, Chính phủ đã ban hành các văn bản như: Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011, thay thế cho Nghị định số 151/2006/NĐ-CP; Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP; Nghị định số 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 sửa đổi Nghị định số 54/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành 4 thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng đầu tư nhà nước bao gồm: Thông tư số 35/2012/TT-BTC ngày 02/3/2012 hướng dẫn Nghị định số 75/2011/NĐ-CP; các thông tư về quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư như Thông tư số 126/2013/TT-BTC ngày 03/9/2013, Thông tư số 108/2014/TT-BTC ngày 11/8/2014, Thông tư số 189/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014.

Chính sách tín dụng đầu tư nhà nước giai đoạn này tiếp tục được tập trung thực hiện qua kênh Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, theo quy định của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013, sửa đổi Nghị định số 138/2007/NĐ-CP.

Về cơ bản, các quy định về chính sách tín dụng đầu tư tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP đã khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong chính sách cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách trong giai đoạn trước.

Một là, Nghị định số 75/2011/NĐ-CP đã loại bỏ hình thức bảo lãnh tín dụng đầu tư, sự điều chỉnh này không chỉ giảm bớt hình thức chưa phát huy hiệu quả, mà còn tránh được sự trùng lặp về chính sách bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại phục vụ sản xuất - kinh doanh quy định tại Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg (ngày 21/01/2009) và Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009.

Hai là, cơ chế lãi suất được thực hiện theo nguyên tắc lãi suất cho vay không thấp hơn lãi suất bình quân các nguồn vốn cộng với phí hoạt động của VDB. Nguyên tắc này hướng tới mục tiêu đảm bảo cho VDB có thể bù đắp đủ chi phí huy động vốn bình quân, trang trải các chi phí hoạt động và tiến tới tự chủ về tài chính, giảm bớt số vốn cấp bù từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng được quy định “điều chỉnh theo từng lần giải ngân” để đảm bảo cân đối giữa mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Ba là, danh mục dự án vay vốn đầu tư nhà nước được điều chỉnh tập trung vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành nghề định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư được thu hẹp khá nhiều để tránh việc đầu tư dàn trải, giảm bớt áp lực huy động vốn cho VDB.

Đánh giá chung cho thấy, chính sách tín dụng đầu tư nhà nước trong 10 năm qua đã từng bước được hoàn thiện, sửa đổi để phù hợp với bối cảnh của từng thời kỳ. Vốn tín dụng đầu tư nhà nước đóng vai trò quan trọng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực trọng điểm; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và năng lực sản xuất của nền kinh tế trong thời gian qua; góp phần thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu và định hướng phát triển của Nhà nước; tập trung vốn thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, bảo vệ môi trường… góp phần nâng cao dịch vụ công và đảm bảo an sinh xã hội./.


Tin mới nhất

Công văn số 375/STC-QLGCS&DN của Sở Tài chính ngày 19/3/2024 V/v đề nghị cung cấp báo giá dịch vụ...(19/03/2024 6:58 SA)

QD 274/QĐ-STC ngày 26/12/2023 công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Sở...(27/12/2023 4:11 CH)

Công văn số 2159/STC-VP ngày 25/12/2023 mời báo giá cung cấp dịch vụ dọn vệ sinh công nghiệp...(25/12/2023 8:36 SA)

Công văn số 2158/STC-VP ngày 25/12/2023 mời báo giá dịch vụ thẩm định bảo vệ của sở tài chính(25/12/2023 8:34 SA)

Cồng văn số 2153/VP-STC ngày 22/12/2023 mời báo giá dịch vụ bảo vệ sở tài chính(22/12/2023 8:31 SA)

Công văn số 2007/STC-VP ngày 06/12/2023 V/v cử cán bộ, công chức, thực hiện nhiệm vụ tại Trung...(07/12/2023 8:05 SA)

Công văn số:1977/STC-VP ngày 30/11/2023 V/v phê duyệt Đề án điều chỉnh vị trí việc làm của Sở...(01/12/2023 8:13 SA)

Công văn 1969/STC-VP v,v mời báo giá cung cấp và phun thuốc xử lý mối tại sở tài chính(29/11/2023 3:32 CH)

Công văn số 1932/STC-VP ngày 27/11/2023 v,v mời tham gia thương thảo gói thầu bảo trì hệ thống...(27/11/2023 4:05 CH)

Công văn số 1887/STC-VP ngày 20/11/2023 về việc mời tham gia dự gói thầu thi công XD công...(20/11/2023 2:55 CH)

°
43 người đang online